Chị Thủy cũng như nhiều người tiêu dùng khác hiện nay có xu hướng gia tăng sử dụng nông sản sạch. Bà Nguyễn Thị Vân, ở phố Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, có thể các sản phẩm nông sản hữu cơ có giá đắt hơn một chút, nhưng khi sử dụng chúng tôi hoàn toàn yên tâm về chất lượng. Do đó, lâu nay, các loại hoa quả tôi đều mua ở các địa chỉ bán nông sản hữu cơ.
Theo kết quả khảo sát của Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng, có xu hướng chọn lựa hàng hóa và sản phẩm hữu cơ an toàn. Các địa phương, doanh nghiệp đang bắt kịp xu hướng này khi hiện nay có 33/63 tỉnh, thành phố phát triển mô hình nông nghiệp hữu cơ với diện tích đạt hơn 76.600 ha, tăng gấp 3,6 lần so với năm 2010. Khoảng 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ - lĩnh vực được xem là có nhiều thuận lợi để phát triển ở Việt Nam... Ngoài ra, có đến 88% người tiêu dùng nhận biết được và yên tâm mua sản phẩm với nhãn hiệu logo hàng Việt Nam chất lượng cao, các chứng nhận ISO, VietGAP…
Nắm bắt xu hướng
Có thể thấy, với thu nhập ngày càng cao, người tiêu dùng cũng có nhu cầu cao hơn trong việc sử dụng các sản phẩm thực phẩm chất lượng cao. Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam, xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng trong thời gian tới tập trung ở các loại sản phẩm hữu cơ, các sản phẩm giàu dinh dưỡng, trái cây và các mặt hàng tiêu dùng nhanh. “Lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng sẽ là những sản phẩm tốt cho sức khỏe, do đó, nông sản sạch, thực phẩm hữu cơ sẽ được lựa chọn đầu tiên” – ông Hoàng nói và cho rằng, các nhà sản xuất, nông dân và các DN cần chú ý nhãn mác rõ ràng, tuyên truyền các lợi ích sức khỏe từ sản phẩm cho người tiêu dùng.
Trên thực tế, nhiều DN nông sản hiện nay đã đầu tư mạnh hơn vào khâu chế biến, đa dạng hóa sản xuất, liên kết với nhau… nhằm cung ứng các sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Đơn cử, trang trại Hoa Viên quy mô 160 ha ở Thạch Thất, Hà Nội, sản xuất rau Đại Ngàn đã có 10 ha đạt chứng nhận Organic USDA của Mỹ, hiện đang cung cấp rau sạch cho hàng ngàn khách hàng. Nhưng bên cạnh đó, trang trại này cũng có doanh thu lớn từ việc nuôi lợn rừng và đang bắt đầu canh tác thêm các loai thảo mộc và cung cấp dịch vụ du lịch nông trại để tối ưu hóa việc khai thác khách hàng.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Vinh, Giám đốc Công ty FoodHub, ngoài việc đầu tư công nghệ mới, đa đạng hóa các sản phẩm, các nhà sản xuất đang kết nối, liên minh với nhau để cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên gia ngành nông nghiệp, nông sản Việt hiện nay vẫn sản xuất nhỏ lẻ nên khâu kiểm soát chế biến sau thu hoạch vẫn còn yếu, bên cạnh đó thông tin về thị trường phát triển nhập khẩu nông sản không được cập nhật, nắm vững nên sản phẩm thường mang tính tự sản xuất, không đảm bảo các tiêu chuẩn để xuất khẩu đi nước ngoài.
Do đó, giới chuyên gia khuyến cáo, rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và DN để hai bên có thể hỗ trợ về công nghệ, thông tin thị trường cho nhau. Khi có sự tham gia của DN, DN sẽ đóng vai trò là người cung cấp vốn, thông tin về thị trường, nhà sản xuất theo đó sẽ cung ứng sản phẩm theo những gì mà thị trường đang cần, đang thiếu, từ đó sẽ tránh được tình trạng sản xuất manh mún, tự phát nhỏ lẻ… như thời gian qua.